Mái nhà là một phần quan trọng trong tổng thể của ngôi nhà, nó không chỉ là một bộ phận có chức năng như tấm chắn bảo vệ mà còn được xem là bộ mặt – nơi thể hiện tính cách của gia chủ. Nhìn vào mái nhà, ta có thể đoán được gia chủ yêu thích nét truyền thống hay hiện đại.
Một căn nhà hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều công sức và sự chăm chút của gia chủ, điều này không chỉ thể hiện qua cách bố trí, lựa chọn nội thất mà còn thể hiện qua ấn tượng đầu tiên bên ngoài căn nhà - mái nhà. Có khá nhiều loại mái nhà đang được ưa chuộng hiện nay như mái kiểu lều, mái dốc một phía, mái kiểu tứ diện, mái đa diện, mái phẳng, mái kiểu kim tự tháp, mái vòm,... Không Gian Đẹp xin giới thiệu 2 loại mái nhà phố phổ biến nhất hiện nay: Nhà mái thái và nhà mái bằng.
Nhà mái Thái - Nét cổ điển, truyền thống
Nhà mái Thái có nguồn gốc từ xứ sở chùa Vàng, có kiến trúc khối dốc cùng với thiết kế giật cấp giúp chống nóng và thoát nước mưa nhanh. Với đặc thù hình khối dốc giúp cho ngôi nhà trở nên cao ráo, thoáng đãng, phần mái thường được lợp bằng ngói phù hợp với những người yêu thích sự cổ điển, truyền thống.
Nhà mái thái thích hợp với những khu vực có diện tích rộng, thường được xây dựng từ dưới 3 tầng, giúp tạo nên sự xếp chồng của các mái nhà một kiến trúc hài hòa, độc đáo nhưng do phần mái có kết cấu phức tạp nên những ngôi nhà mái thái thường có chi phí cao.
Nhà mái bằng - Phong cách hiện đại và thời thượng
Nhà mái bằng đã và đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều gia chủ trong những năm gần đây cho những ngôi nhà phố có diện tích chiều ngang hạn chế. Để tăng không gian sử dụng cho căn nhà, những ngôi nhà mái bằng thường được xây dựng từ 2 tầng trở lên và thường sử dụng những hình vuông vắn tạo sự chắc chắn, hiện đại nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng cho mặt tiền ngôi nhà.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà phố thường được xây dựng san sát nhau làm hạn chế nguồn sáng tự nhiên, do đó, việc thiết kế nhà mái bằng giúp tận dụng được khoảng sân thượng làm sân phơi, góc thư giãn hay khu vườn nhỏ trồng những chậu hoa, cây thực vật. Đặc biệt, nhờ vào khoảng sân thượng tạo khu vực giếng trời không chỉ mang đến nguồn sáng tự nhiên cho các tầng trong ngôi nhà mà còn giúp tiết kiệm chi phí thắp sáng.